Nội dung Tuyên_bố_chung_Trung-Anh

Tuyên bố chung

Bản Tuyên bố chung Trung-Anh gồm có tám đoạn, ba phụ lục về Chính sách Cơ bản với Hồng Kông, Nhóm Liên lạc chung Trung-Anh và Cho thuê Đất đai cùng hai bản Ghi nhớ của hai bên. Các phần có cùng hiệu lực và “toàn văn làm thành hiệp định quốc tế chính thức, mọi phần đều có hiệu lực pháp luật. Hiệp định quốc tế kiểu này là hình thức giao ước cao nhất cho hai nước.”[10] Theo bản tuyên bố, Đặc khu hành chính Hồng Kông sẽ trực thuộc Quốc vụ Viện của Trung Quốc và được mức tự trị cao, ngoại trừ về ngoại giao và quốc phòng. Hồng Kông được có cơ quan hành chính, lập pháp và tư pháp độc lập có quyền chung thẩm. Luật Cơ bản quy định rằng tiếng Anh có thể được chính quyền dùng cùng tiếng Hán, và Hồng Kông được phép có khu kỳ và khu huy riêng. Hệ thống kinh tế tư bản ở Hồng Kông sẽ được duy trì. Đoạn ba liệt kê các chính sách cơ bản của Trung Quốc về Hồng Kông:

  • Đặc khu hành chính Hồng Kông sẽ được thành lập.[11]
  • Đặc khu sẽ trực thuộc Quốc vụ Viện của Trung Quốc và sẽ được mức tự trị cao, ngoại trừ về ngoại giao và quốc phòng.[12]
  • Đặc khu sẽ được giao quyền hành chính, lập pháp và tư pháp độc lập có quyền chung thẩm. Pháp luật đang có ở Hồng Kông sẽ giữ nguyên.[13]
  • Chính quyền Đặc khu sẽ gồm có cư dân địa phương. Khu trưởng sẽ do Quốc vụ Viện bổ nhiệm theo kết quả của các cuộc bầu cử hoặc tư vấn tổ chức ở Đặc khu. Các viên chức chính sẽ do Khu trưởng tiến cử cho Quốc vụ Viện bổ nhiệm. Các công dân Trung Quốc và nước ngoài đang làm việc ở ngành công chức và cảnh sát trong chính quyền được giữ việc làm. Họ cũng được làm cố vấn hoặc giữ chức vụ công nhất định trong chính quyền.[14]
  • Hệ thống xã hội và kinh tế đang có ở Hồng Kông sẽ giữ nguyên, cùng lối sống. Các quyền và tự do sẽ được pháp luật Đặc khu bảo đảm. Tư sản, quyền sở hữu xí nghiệp, quyền kế thừa và đầu tư nước ngoài sẽ được pháp luật bảo vệ.[15]
  • Đặc khu sẽ tiếp tục làm cảng tự do và lãnh thổ riêng về mặt thuế quan, và sẽ được duy trì chính sách buôn bán tự do, cho phép hàng hóa và vốn tự do di chuyển.[16]
  • Đặc khu sẽ tiếp tục làm trung tâm tài chính quốc tế có đồng tiền Hồng Kông tự do trao đổi. Đặc khu có thể cho các ngân hàng nhất định phát tiền hoặc tiếp tục phát tiền theo pháp luật.[17]
  • Đặc khu sẽ độc lập xử lý tài chính, nhưng sẽ báo Quốc vụ Viện. Quốc vụ Viện sẽ không đánh thuế Đặc khu.[18]
  • Đặc khu có thể đặt quan hệ kinh tế thuận lợi với Anh và các nước khác.[19]
  • Đặc khu sẽ dùng tên “Hồng Kông, Trung Quốc” khi giao thiệp với nước ngoài và có thể tự đặt các quan hệ kinh tế, văn hóa cùng ký kết hiệp định với các nước, khu vực, tổ chức quốc tế có quan hệ. Đặc khu có thể cấp hộ chiếu. Các hiệp ước quốc tế mà Trung Quốc không ký nhưng Hồng Kông ký có thể tiếp tục thi hành ở Đặc khu.
  • Chính quyền Hồng Kông phụ trách duy trì trật tự công cộng. Các lực lượng quân sự đóng ở Đặc khu theo lệnh Quốc vụ Viện vì quốc phòng sẽ không can thiệp vào chính sự nội bộ.
  • Các chính sách cơ bản ở trên sẽ được Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc chép vào Luật Cơ bản Đặc khu hành chính Hồng Kông thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và sẽ giữ nguyên trong 50 năm.

Chính phủ Anh sẽ phụ trách duy trì sự phồn thịnh và ổn định xã hội của Hồng Kông đến ngày 30 tháng 7 năm 1997 và sẽ được sự hợp tác của chính phủ Trung Quốc.

Bản tuyên bố cũng quy định quyền cư trú, hộ chiếu và nhập cảnh. Mọi công dân Trung quốc sinh ra hoặc thường trú ở Hồng Kông trong bảy năm liên tiếp được xin giấy chứng thân phận. Người có thẻ có thể được cấp hộ chiếu Hồng Kông có hiệu lực ở mọi nước và khu vực. Nhưng việc nhập cảnh Hồng Kông từ các vùng khác của Trung Quốc sẽ vẫn theo cách làm đang có.

Phụ lục I

Phụ lục tên là Giải thích của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về các chính sách cơ bản đối với Hồng Kông và đi vào chi tiết Hồng Kông sau ngày 1 tháng 7 năm 1997, gồm có các phần sau đây:

  1. Chế độ hiến pháp và chính thể.
  2. Pháp luật.
  3. Cơ quan tư pháp.
  4. Công chức.
  5. Tài chính.
  6. Hệ thống kinh tế và quan hệ kinh tế đối ngoại.
  7. Hệ thống tiền tệ.
  8. Chuyên chở đường thủy.
  9. Hàng không dân dụng.
  10. Giáo dục.
  11. Ngoại giao.
  12. Quốc phòng, an ninh và trật tự công cộng.
  13. Các quyền và tự do cơ bản.
  14. Quyền cư trú, xuất dương hồi hương và nhập cảnh.

Phụ lục II

Phụ lục II thành lập Nhóm Liên lạc chung Trung-Anh. Nhóm hoạt động từ ngày 1 tháng 7 năm 1998 đến ngày 1 tháng 1 năm 2000. Nhiệm vụ của tổ chức là:

  1. Xem xét thảo luận việc thi hành Tuyên bố chung
  2. Thảo luận các vấn đề về việc giao trả chính quyền năm 1997
  3. Trao đổi tin tức và xem xét thảo luận các chủ đề mà hai bên đều đưa ra[20]

Hai bên có thể phái lên đến 20 nhân viên. Nhóm sẽ họp ít nhất một lần mỗi năm ở Bắc Kinh, Luân Đôn hoặc Hồng Kông. Từ ngày 1 tháng 7 năm 1998 thì nhóm đặt trụ sở ở Hồng Kông. Nhóm sẽ giúp Đặc khu mở rộng các quan hệ kinh tế, văn hóa và ký kết hiệp định ngoại giao với các nước, khu vực, tổ chức quốc tế có quan hệ. Từ năm 1985 đến năm 2000, Nhóm Liên lạc chung tổ chức 47 cuộc họp toàn thể, gồm có 18 cuộc ở Hồng Kông, 15 ở Luân Đôn và 14 ở Bắc Kinh.

Nhóm Liên lạc chung giữ cho tòa án Hồng Kông được độc lập. Ngoài ra, Nhóm Liên lạc còn giúp Hồng Kông và các nước khác đạt các hiệp định song phương, cho 200 công ước quốc tế tiếp tục được thi hành ở Đặc khu sau ngày 30 tháng 6 năm 1997. Hồng Kông sẽ tiếp tục tham gia các tổ chức quốc tế sau cuộc chuyển giao

Phụ lục III

Đất đai Hồng Kông thuộc Anh cho thuê có kỳ cho thuê vượt ngoài ngày 30 tháng 6 năm 1997 sẽ tiếp tục được pháp luật Đặc khu bảo vệ đến ngày 30 tháng 6 năm 2047, cùng các quyền liên quan đến hợp đồng cho thuê. Ban Đất đai sẽ được thành lập gồm có số thành viên từ chính phủ Anh và chính phủ Trung Quốc ngang nhau. Thành lập năm 1985, Ban Đất đai họp ở Hồng Kông 35 lần và thông qua 26 văn kiện, có cấp đất cho xây dựng sân bay Xích Lẹp Giác mới năm 1994. Ngày 30 tháng 6 năm 1997, Ban Đất đai giải thể.

Bản Ghi nhớ Anh

Chính phủ Anh định là mọi công dân Lãnh thổ thuộc Anh nhờ liên quan Hồng Kông sẽ mất quốc tịch ngày 1 tháng 7 năm 1997. Sau khi bản tuyên bố có hiệu lực, Luật Hồng Kông năm 1985 cùng Lệnh Hồng Kông (Quốc tịch Anh) năm 1986 đặt ra loại quốc dân Anh hải ngoại để giải quyết vấn đề. Đến tháng 7 năm 1997, công dân Lãnh thổ thuộc Anh có thể xin làm quốc dân Anh hải ngoại, nhưng sẽ không tự nhiên được quyền cư trú, kể cả ở Anh và Hồng Kông. Sau cuộc giao trả, hầu hết cựu công dân Lãnh thổ thuộc Anh đều trở thành công dân Trung Quốc. Người vừa không đủ tư cách làm công dân Trung Quốc vừa không xin làm quốc dân Anh hải ngoại thì tự động trở thành công dân Anh hải ngoại.

Bản Ghi nhớ Trung Quốc

“Theo Luật Quốc tịch Trung Quốc, mọi đồng bào Trung Quốc người Hồng Kông, bất kể là có hộ chiếu công dân Lãnh thổ thuộc Anh hay không, đều là công dân Trung Quốc.” Những người dùng hộ chiếu do Chính phủ Anh cấp được phép đi các nước và khu vực khác, nhưng sẽ không được Anh bảo hộ ở Đặc khu và các vùng khác của Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tuyên_bố_chung_Trung-Anh http://www.fmprc.gov.cn/web/fyrbt_673021/t1474476.... http://www.csmonitor.com/1996/0610/061096.intl.int... http://public.eblib.com/EBLPublic/PublicView.do?pt... http://www.scmp.com/news/hong-kong/article/1654603... http://www.hkbu.edu.hk/~pchksar/JD/jd-full1.htm http://www.cmab.gov.hk/en/issues/jd2.htm http://www.cmab.gov.hk/en/issues/joint2.htm#3 http://www.cmab.gov.hk/en/issues/joint3.htm http://sunzi1.lib.hku.hk/bldho/ http://news.rthk.hk/rthk/ch/component/k2/1339261-2...